dimanche 20 avril 2014

Nhớ Mẹ








           Nhớ Mẹ

Ngày con tròn tuổi thôi nôi, Ba bỏ đi theo bóng sắc mới để lại cho Mẹ một di sản nặng-nề: một Mẹ chồng lú-lẩn, hai con thơ dại, một căn nhà dột nát, dăm bàn thờ tổ-tiên, mươi phần mộ gia đình nhà chồng.
 

Mẹ còn thật son trẻ, hiền, đẹp...nhưng sao phần số nghiệt ngả lại đè nặng trên đôi vai gầy của Mẹ?.
Con biết Mẹ thật buồn, thật đau, nhưng có lẻ do dòng máu phúc hậu của Ngoại nên Mẹ chỉ cắn răng để vì hai chị em con.







Rồi Nội mất và theo dòng đời chúng con lớn lên trong vòng tay trìu mến của Mẹ.

Nhà mình thật nghèo, không đủ sức để hai chị em cùng được học. 
Tội nghiệp Chị con học thật giỏi nhưng phải sớm nghỉ học để đi giúp việc kiếm tiền phụ Mẹ nuôi em.

Còn con, tuy nhỏ dại, tuy đôi tay còn thật bé-bỏng, ngoài giờ phụ Mẹ làm bánh, con đã biết trồng cây, nuôi gà, nuôi cá, rọc lá chuối, cắt lá môn, câu cá...bán kiếm tiền. Tuy thật thèm được nhập cuộc với bạn cùng trang lứa trong những trò chơi đùa vui rộn-rả, nhưng con đành tự- chế. Con muốn dành thời giờ cho những việc làm nho-nhỏ nhưng thiết thực cũng như con đã cố-gắng học thật giỏi để Mẹ vui. Con muốn những giòng lệ thôi rơi trên má Mẹ những chiều khi Mẹ chải tóc bên gương.




Hết bậc Tiểu Học, con thi vào Trung Học Nguyễn- Đình- Chiểu, may mắn con đổ và được cấp học bổng. Dù vậy tiền trọ học ở Tỉnh vẫn là gánh nặng của Mẹ.  Riêng về sự đóng góp của Chị con chỉ vừa đủ cho 4 chuyến đi-về quê mỗi tháng. Do đó, suốt bậc Trung-Học con đã trải qua vô-vàn khó-khăn, thiếu thốn.
 

Rồi chúng con lớn khôn. Chị con lập gia-đình. Phần con, sau vài năm Đại Học, cũng phải rời ghế nhà trường để đi làm bổn phận của người trai thời loạn. Hai đứa con, mỗi đứa một phương trời. Mẹ tuy có con, cháu nhưng vẫn vò-võ, cô đơn. Chỉ thỉnh-thoảng ngày Giỗ, ngày Tết nhà mình mới có tiếng cười rộn-rả và Mẹ đã luôn chuẩn bị thật đầy-đủ những món chúng con ưa thích. Rồi những ngày vui qua mau, chúng con lại ra đi. Mẹ lại khóc khi vịn cửa nhìn theo chúng con. Còn lũ cháu thì quyến-luyến đòi ở lại. Riêng con, con phải quay đi để giấu giọt nước mắt buồn.
 





1975, miền Nam đổi chủ. Con cùng hàng trăm nghìn người ở lại phải đi tù ,

Mẹ thật hiền, hiền đến cả hàng xóm đều mến, cả gia-đình chồng đều thương và đến cả Ba trước giờ nhắm mắt cũng phải hối-hận, ăn-năn , nhưng Mẹ đã không hiền được khi kẻ dữ đụng đến con. Không làm được gà mẹ để dang đôi cánh che chở cho con trước những móng vuốt của lủ diều-hâu, Mẹ bắt đầu mắng chửi chúng.
 

Rồi một năm sau, ngày con bị đày lên vùng núi rừng Việt-Bắc, Mẹ từ-giả cỏi đời. Người ta giấu tất-cả, mải 7 năm về sau con mới hay biết. Hàng xóm cho biết Mẹ không bệnh-hoạn, yếu đau, Mẹ chết như mơ.
 

Sau nhiều năm nếm mùi hoả ngục, may mắn hơn các bạn bị hoá kiếp, con được thả về thành phố đã thay tên. Từ cảnh vật, nếp sống, đến tình người… đều đổi thay. Riêng con, những gì yêu quý kể cả chiếc bến duy nhất cũng không còn.
 

Con cũng có chút học vấn, chút kiến thức chuyên-môn, nhưng chỉ vì là kẻ thua cuộc nên phải làm phó thường dân hạng bét, sống bên lề xã-hội mới và cuối cùng phải lên rừng Biên-Hoà, Long-Khánh, Tây-Ninh vác củi thuê cho Ty Chất Đốt Thành-Phố để độ nhật nhưng vẫn không được yên thân. Do đó, con phải ra đi và may thay con vượt biển thành-công, đến được bến bờ tự-do.






Mẹ, ngày xưa dù có phương-tiện, con đã khước từ ra đi, nhưng không phải vì nông-nổi. Con đả đi biết bao sông dài, biển rộng, nhưng với con không có đại-dương nào đủ bao-la để sánh với tình thương của Mẹ. Con cũng đã có dịp đi công tác ở xứ người để thấy được sự văn-minh, giàu có... , nhưng không có mảnh lực nào đủ cám-dổ để con phải bỏ Mẹ ra đi. Con chỉ muốn suốt đời làm đứa con bé-bỏng của Mẹ.




Ngày nay, tuy ước mơ đó không thành hiện thực và nơi đất khách quê người con cũng cô-đơn như Mẹ khi xưa, nhưng con nguyện sẽ luôn theo gương đạo-đức của Mẹ ‘’ THƯƠNG CON VÀ THƯƠNG TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ‘’.
Mẹ, con nghĩ bên kia thế-giới chắc Mẹ sẽ mỈm cười hài lòng phải không Mẹ?.
 

Mùa Vu-Lan nhớ về Mẹ.
T.K.D
.




                                                            
  
                                                                                             


   

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire